Cấp chứng nhận xuất xứ qua Cơ chế một cửa quốc gia để chống gian lận

1202 5 0711 5914 Img 1562229499748 1562229561928 Baohaiquan

(HQ Online) – Việc cấp chứng nhận xuất xứ chưa được thực hiện đầy đủ qua Cổng thông tin một cửa quốc gia khiến công tác quản lý gặp nhiều khó khăn và dễ nảy sinh gian lận, làm ảnh hưởng đến uy tín, lợi ích của doanh nghiệp trong nước và nền kinh tế Việt Nam.

cap chung nhan xuat xu qua co che mot cua quoc gia de chong gian lan
Giày TOPPER nhập khẩu theo hình thức tạm nhập – tái xuất từ Trung Quốc về Việt Nam có dấu hiệu giả mạo xuất xứ, nhãn hiệu hàng hóa (hàng hóa nhập từ Trung Quốc nhưng trên sản phẩm lại thể hiện xuất xứ “Made in Vietnam”) do Hải quan Hải Phòng bắt giữ tháng 7/2019.

Số lượng nhỏ giọt

Theo Bộ Tài chính (Tổng cục Hải quan)- Cơ quan Thường trực Ủy ban chỉ đạo quốc gia về Cơ chế một cửa ASEAN (ASW), Cơ chế một cửa quốc gia (NSW) và tạo thuận lợi thương mại (Ủy ban 1899), từ 1/1/2018, Việt Nam đã kết nối trao đổi chứng nhận xuất xứ mẫu D điện tử (do Bộ Công Thương cấp thông qua NSW) với các nước ASEAN và đang trong quá trình trao đổi để mở rộng kết nối với các đối tác thương mại ngoài ASEAN.

Theo Bộ Tài chính, chứng nhận xuất xứ là chứng từ quan trọng liên quan quan đến thương mại hàng hóa XNK và được kết nối trao đổi với các đối tác nước ngoài. Do vậy, việc triển khai đầy đủ việc khai báo, cấp chứng nhận xuất xứ điện tử qua NSW không chỉ giúp cơ quan cấp chứng nhận xuất xứ mà cả cơ quan Hải quan có thông tin, dữ liệu phục vụ cho việc kiểm tra đánh giá, phòng chống gian lận. Đồng thời đây cũng là điều kiện cần để kết nối trao đổi thông tin theo các cam kết quốc tế.

Về thực hiện cấp chứng nhận xuất xứ qua NSW, hiện nay, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cấp giấy chứng nhận xuất xứ mẫu B đi ASEAN qua NSW từ đầu năm 2016.

Nhưng từ đó đến nay mới có 77 hồ sơ được khai báo, trong đó chỉ vỏn vẹn 2 chứng nhận được phê duyệt và cấp phép (1 trong năm 2017 và 1 trong năm 2018).

Như vậy, việc cấp chứng nhận xuất xứ mẫu B đi ASEAN của VCCI qua NSW rất hạn chế.

Không những thế, thông tin cấp chứng nhận xuất xứ mẫu B đi ASEAN trong thời gian từ khi triển khai đến nay vẫn được thực hiện qua hệ thống nội bộ của VCCI hay theo hình thức khác.

Theo Bộ Tài chính, quá trình triển khai, VCCI phản ánh một số phát sinh vướng mắc và đã được Bộ Tài chính (Tổng cục Hải quan) phối hợp với VCCI xử lý.

Mặt khác, VCCI mới thực hiện với giấy chứng nhận xuất xứ form B của hàng hóa xuất khẩu đi các nước ASEAN, chưa thực hiện với các thị trường khác ngoài ASEAN. Với trường hợp này, Bộ Tài chính (Tổng cục Hải quan) đã cung cấp dịch vụ tra cứu thông tin tờ khai để VCCI có thể tra cứu phục vụ cấp chứng nhận xuất xứ. Nhưng đến đầu tháng 12/2019, VCCI chưa phối hợp với Bộ Tài chính (Tổng cục Hải quan) để triển khai thực hiện cho giấy chứng nhận xuất xứ mẫu B đối với hàng hóa xuất khẩu đi các nước ngoài ASEAN. Không những thế, thực hiện theo phương án này, Bộ Tài chính (Tổng cục Hải quan) sẽ không có được thông tin về quá trình cấp nên không đánh giá được rủi ro cũng như những nội dung nghiệp vụ liên quan khác.

Với việc cấp chứng nhận xuất xứ mẫu D đi ASEAN của Bộ Công Thương được thực hiện từ 2014 và tham gia trao đổi với các nước ASEAN từ ngày 1/1/2018 (qua ASW).

Đến nay, Việt Nam đã chính thức trao đổi thông tin chứng nhận xuất xứ mẫu D với 6 nước gồm: Singapore, Malaysia, Indonesia, Thái Lan, Brunei và Campuchia. Mặc dù việc cấp chứng nhận xuất xứ được Bộ Công Thương thực hiện một cách đẩy đủ, tuy nhiên theo yêu cầu triển khai nhanh việc kết nối NSW, Bộ Công Thương đề nghị thủ tục cấp được thực hiện theo hình thức “nhúng”, nghĩa là hồ sơ đề nghị cấp chứng nhận xuất xứ được gửi trực tiếp tới hệ thống ECOSYS (Hệ thống quản lý và cấp chứng nhận xuất xứ điện tử mức độ 4 của Bộ Công Thương-PV) và không lưu tại Cổng thông tin một cửa quốc gia.

Đến nay, Tổng cục Hải quan đã một số lần đề nghị nhưng Bộ Công Thương chưa phối hợp để chuyển đổi lại mô hình phù hợp, do đó cơ quan Hải quan không có đầy đủ dữ liệu cấp các chứng nhận xuất xứ.

Về các mẫu chứng nhận xuất xứ ưu đãi đi các thị trường khác, Bộ Công Thương chưa thực hiện cấp qua NSW. Tuy nhiên, theo yêu cầu thực hiện Chính phủ điện tử, hiện nay Bộ Công Thương có văn bản thông báo sẽ kết nối với Cổng dịch vụ công của Chính phủ để thực hiện.

Triển khai đầy đủ để chống gian lận xuất xứ

Theo Bộ Tài chính (Tổng cục Hải quan) nhằm tăng cường phòng chống gian lận xuất xứ, cần đẩy nhanh thực hiện đầy đủ việc cấp chứng nhận xuất xứ qua Cổng thông tin một cửa quốc gia để cơ quan Hải quan và cơ quan cấp chứng nhận xuất xứ có đủ thông tin phục vụ đánh giá rủi ro trong quá trình cấp và thực hiện.

Cụ thể, với VCCI, Bộ Tài chính đề nghị, thực hiện nghiêm và đầy đủ việc cấp chứng nhận xuất xứ hàng hóa không ưu đãi (qua phương thức điện tử) đi các nước ASEAN qua Cổng thông tin một cửa quốc gia. Đồng thời mở rộng cấp chứng nhận xuất xứ điện tử với thị trường ngoài ASEAN.

Với Bộ Công Thương, thực hiện chuyển đổi mô hình cấp chứng nhận xuất xứ mẫu D theo đúng mô hình thực hiện NSW và hoàn thành trước 30/9/2020.

Thực tế vừa qua, trước diễn biến phức tạp của chiến tranh thương mại giữa các nước lớn, tình hình gian lận xuất xứ hàng hóa Việt Nam diễn biến hết sức phức tạp.

Cơ quan Hải quan đã kịp thời phát hiện, xử lý không ít vụ việc hàng hóa nước ngoài “đội lốt” Made in Vietnam để xuất khẩu đi nước thứ ba hoặc tiêu thụ trong nước.

Thái Bình

0978392436