Xuất khẩu sang thị trường Ấn Độ: Kinh nghiệm từ người trong cuộc

1825 Anh Bai Xk Sang An Do

Mặc dù tiềm năng thị trường lớn nhưng để đẩy mạnh xuất khẩu hàng hóa Việt Nam sang Ấn Độ không dễ dàng khi văn hóa kinh doanh giữa 2 quốc gia rất khác biệt.    

Nhiều dư địa cho hàng Việt

Ấn Độ có dung lượng thị trường rất lớn với gần 1,4 tỷ dân, tuy nhiên cho đến nay giá trị và số lượng hàng hóa Việt Nam thâm nhập vào thị trường này còn khiêm tốn. Số liệu từ Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) cho thấy, từ năm 2016 – 2019, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và Ấn Độ dù đã tăng 2,06 lần nhưng cũng chỉ đạt 11,21 tỷ USD (năm 2019); 4 tháng đầu năm 2020, Việt Nam xuất siêu sang Ấn Độ 321 triệu USD, trong đó xuất khẩu đạt hơn 1,5 tỷ USD, nhập khẩu đạt 1,2 tỷ USD.

Theo ông Lê Hoàng Tài – Phó Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại, nhiều mặt hàng của Việt Nam có tiềm năng xuất khẩu như nông sản và thực phẩm chế biến, đặc biệt quả thanh long và cá basa rất được ưa chuộng tại Ấn Độ. Các sản phẩm hạt điều, cà phê, hồ tiêu, cao su, các loại gia vị còn nhiều dư địa để mở rộng thị trường.

Ông Bùi Trung Thướng – Đại diện Thương vụ Đại sứ quán Việt Nam tại Ấn Độ – cũng cho hay: “Sau 10 năm, Ấn Độ và ASEAN ký Hiệp định thương mại tự do, xuất khẩu của Việt Nam sang Ấn Độ tăng 16 lần, tuy vậy so với dung lượng thị trường, đặc biệt yêu cầu về tiêu chuẩn kỹ thuật không cao, hàng Việt còn rất nhiều triển vọng tại thị trường này”, ông Thướng nói.

xuat khau sang thi truong an do kinh nghiem tu nguoi trong cuoc
Nhiều mặt hàng có tiềm năng xuất khẩu của Việt Nam được ưa chuộng tại Ấn Độ

Ngoài nông sản, dệt may, da giày cũng là loại hàng hóa có tính bổ trợ lớn giữa hai nước. Với ngành hàng da giày, Ấn Độ hiện đang cung cấp 30% sản lượng da thuộc cho thị trường thế giới trong đó Việt Nam đang nhập khẩu một lượng lớn nguyên liệu da cho sản xuất phục vụ xuất khẩu. Tương tự, ngành dệt may Việt Nam mỗi năm nhập khẩu khoảng 20 tỷ USD nguyên phụ liệu nếu doanh nghiệp Việt Nam tận dụng được nguồn cung từ Ấn Độ sẽ thúc đẩy đáng kể kim ngạch thương mại 2 chiều.

Chú trọng khác biệt văn hóa

Ông Bùi Trung Thướng cũng cho hay: Ấn Độ tuy là thị trường dễ tính nhưng quy định về phòng vệ thương mại như các biện pháp chống bán phá giá, chống trợ cấp… lại nhiều. Do đó, khi xuất khẩu hàng hóa sang thị trường này, doanh nghiệp trong nước cần chú ý, tránh vi phạm.

Ông Trịnh Quốc Việt – đại diện 1 doanh nghiệp Việt có kinh nghiệm 10 năm kinh doanh với thị trường Ấn Độ – chia sẻ: Văn hóa kinh doanh của Ấn Độ rất khác biệt so với Việt Nam. Người dân Ấn Độ hay sử dụng từ cổ, đa nghĩa, đồng thời sử dụng phần mềm chát trong chốt giá nên thường phát sinh nhầm lẫn. Vì vậy trong đàm phán, doanh nghiệp Việt cần chốt giá, điều khoản hợp đồng, phương thức thanh toán bằng email và văn bản để làm căn cứ trong trường hợp phát sinh tranh chấp, kiện tụng.

Cùng đó, doanh nghiệp nên tìm hiểu kỹ đối tác Ấn Độ để xác nhận mô hình kinh doanh là tập đoàn hay hộ gia đình để có phương án hợp tác phù hợp và nên sang trực tiếp xem nhà máy sản xuất. Tìm hiểu tập quán, vị trí phân bố khách hàng, tránh bán 100% công suất cho 1 đối tác trong 1 tỉnh. Phân bố rộng rãi nguồn hàng và đối tác sẽ có lợi thế về giá, thanh toán, đặc biệt là tránh khả năng mất hết hàng. “Đối tác Ấn Độ thường xuyên xoay giá và nhà cung cấp, do vậy giữ vững tiêu chí chất lượng sản phẩm và thời gian giao hàng nhanh là số 1 để giữ lòng trung thành và thu hút sự quay trở lại của đối tác” – ông Trịnh Quốc Việt nói.

Bà Nguyễn Huỳnh Khánh Linh – Phó Chủ tịch Hội Người Việt Nam tại Ấn Độ và Nepal: Khi muốn thành lập công ty tại Ấn Độ, doanh nghiệp trong nước nên tìm đơn vị tư vấn uy tín để giúp hoàn thành nhanh thủ tục, hồ sơ và được tư vấn về văn hóa kinh doanh.

Việt Nga

Nguồn Báo Công Thương https://congthuong.vn/xuat-khau-sang-thi-truong-an-do-kinh-nghiem-tu-nguoi-trong-cuoc-137712.html

0978392436