Từ 20/9, thực hiện cơ chế tự chứng nhận xuất xứ hàng hóa toàn ASEAN

Mãu Tự Cnxx

Một trong những kết quả đáng chú ý nhất của hội nghị Bộ trưởng kinh tế ASEAN, được Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh nhấn mạnh là việc thống nhất thực thi cơ chế tự chứng nhận xuất xứ hàng hóa toàn ASEAN từ ngày 20/9.

Sáng 30/8, sau 1 tuần diễn ra Hội nghị bộ trưởng Kinh tế ASEAN lần thứ 52 và các hội nghị liên quan, Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh đã chủ trì buổi họp báo để thông tin về một số kết quả chính của các hội nghị kể trên, trong đó đáng chú ý là việc thống nhất thực thi cơ chế tự chứng nhận xuất xứ hàng hóa toàn ASEAN từ ngày 20/9 này.

Cụ thể, theo ông Trần Tuấn Anh, về nội khối, kết quả quan trọng nhất đạt được đối với Việt Nam là việc các bộ trưởng thống nhất tiếp tục thúc đẩy việc thực hiện các sáng kiến, ưu tiên kinh tế do Việt Nam đưa ra cho năm Chủ tịch ASEAN. Đó là 2 sáng kiến đã được hoàn tất, gồm sáng kiến về “chỉ số hội nhập số ASEAN” và “tài liệu tham chiếu về Kết nối các trung tâm đổi mới sáng tạo ASEAN”. 11 sáng kiến còn lại vẫn đang được ASEAN nỗ lực triển khai theo đúng lộ trình, dự kiến hoàn thành vào cuối năm nay.

Cùng với đó, một thành công ấn tượng khác là việc bộ trưởng kinh tế các nước ASEAN đã thống nhất hướng xử lý vấn đề thông qua biểu thuế nhập khẩu thực hiện Hiệp định ATIGA chuyển đổi từ Danh mục hàng hóa ASEAN bản 2012 sang bản 2017 của Việt Nam; hoàn thành thủ tục chuẩn bị ký kết thỏa thuận thừa nhận lẫn nhau đối với chứng nhận kiểu loại cho sản phẩm xe cơ giới trong ASEAN (APMRA). “Các bộ trưởng cũng đã thống nhất thực thi cơ chế tự chứng nhận xuất xứ hàng hóa toàn ASEAN từ ngày 20/9/2020. Đây là nỗ lực rất lớn của Việt Nam và các nước ASEAN trong việc tạo điều kiện cho doanh nghiệp, thúc đẩy thương mại nội khối”, ông Tuấn Anh nhấn mạnh.

Ngoài ra, ASEAN tiếp tục thảo luận và tìm ra các giải pháp nhằm triển khai Kế hoạch tổng thể năm 2025 của Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC), đặc biệt là việc đánh giá giữa kỳ để có thể điều chỉnh Kế hoạch tổng thể năm 2025 phù hợp với bối cảnh mới trong khu vực cũng như giúp ASEAN vượt qua các thách thức trên quy mô toàn cầu.

Mục tiêu của việc thảo luận là đưa ra các giải pháp tổng thể, giúp ASEAN trở thành một không gian kinh tế rộng lớn hơn, quy mô hơn, mang tính gắn kết chặt chẽ và đủ vững mạnh làm điểm tựa cho các nước ASEAN sở hữu vị thế cạnh tranh thuận lợi so với các nền kinh tế trong khu vực cũng như trên phạm vi toàn cầu, đặc biệt là việc tận dụng một cách hiệu quả các ưu thế của các thành viên ASEAN, tận dụng các cơ hội thời cơ trong quá trình hội nhập với các khu vực khác trên thế giới.

Về ngoại khối, lãnh đạo Bộ Công Thương cho hay ASEAN thống nhất định hướng ưu tiên cho việc ký kết Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện (RCEP) vào cuối năm nay, mặt khác có những trao đổi sơ bộ để rà soát, tăng cường hợp tác kinh tế với các đối tác khác như Úc, Newzealand, Canada, hoặc với những đối tác tiềm năng trong tương lai như Anh.

Cũng theo Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh, tại hội nghị này, các bộ trưởng kinh tế ASEAN và các nước đối tác đã thông qua kế hoạch hành động ASEAN+3 về giảm thiểu tác động kinh tế của dịch Covid-19 và Sáng kiến chung giữa các bộ trưởng kinh tế ASEAN và Hàn Quốc về thúc đẩy kết nối kinh tế ứng phó với dịch Covid-19.

Các bộ trưởng ASEAN nhất trí việc cần duy trì các cam kết hiện hành về mở cửa thị trưởng trong thương mại và đầu tư, kiềm chế áp dụng các biện pháp gây hạn chế không cần thiết đối với thương mại, tăng cường các biện pháp thuận lợi hóa thương mại nhằm ổn định sản xuất, duy trì kết nối chuỗi cung ứng, xây dựng kế hoạch hồi phục sau đại dịch.

Nguồn: https://thegioihoinhap.vn/hoi-nhap/thuong-mai/tu-20-9-thuc-hien-co-che-tu-chung-nhan-xuat-xu-hang-hoa-toan-asean/?fbclid=IwAR3OoOPf3ljYR1Xm-mMnO8cA-21B-lRX1JXZn8yOD77ZLxV9x3u3Y48-h2Y

0978392436