Quản lý thuế đối với hàng hóa giao dịch qua thương mại điện tử, chuyển phát nhanh

Hiện nay theo quy định của pháp luật về thuế nhập khẩu, hàng hóa nhập khẩu gửi qua dịch vụ bưu chính, dịch vụ chuyển phát nhanh (không phân biệt hàng hóa thương mại điện tử hay hàng hóa khác) có trị giá hải quan từ 1 triệu đồng trở xuống hoặc có tổng số thuế từ 1 trăm nghìn đồng trở xuống thì được miễn thuế nhập khẩu (khoản 11 Điều 1 Nghị định số 18/2021/NĐ-CP ngày 11/3/2021 của Chính phủ). Tuy nhiên chưa quy định cụ thể số lần hoặc cụ thể lô hàng được miễn thuế. Do vậy dẫn đến việc người khai hải quan lợi dụng chính sách này để chia nhỏ lô hàng nhằm mục đích miễn thuế.

Giới hạn số lần hưởng định mức miễn thuế

Để tương đồng với hàng hóa gửi qua dịch vụ chuyển phát nhanh, bưu chính, đồng thời ngăn chặn việc lợi dụng chính sách ưu đãi về thuế, tại dự thảo Nghị định quy định quản lý hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu giao dịch qua thương mại điện tử quy định cụ thể:

“a) Hàng hóa nhập khẩu có trị giá hải quan theo từng đơn hàng từ 1.000.000 đồng Việt Nam trở xuống;

b) Hàng hóa nhập khẩu có trị giá hải quan theo từng đơn hàng trên 1.000.000 đồng Việt Nam nhưng có tổng số tiền thuế nhập khẩu phải nộp dưới 100.000 đồng Việt Nam.

Mỗi tổ chức, cá nhân mua hàng chỉ được hưởng tiêu chuẩn miễn thuế đối với hàng hóa nhập khẩu quy định tại điểm a, điểm b khoản này không quá 1 đơn hàng/ngày và không quá 4 đơn hàng/tháng.

2. Trường hợp hàng hóa nhập khẩu giao dịch qua thương mại điện tử có trị giá hải quan theo từng đơn hàng trên 1.000.000 đồng Việt Nam và có tổng số tiền thuế nhập khẩu phải nộp trên 100.000 đồng Việt Nam thì phải nộp thuế nhập khẩu đối với toàn bộ trị giá hàng hóa nhập khẩu“.

Việc quy định về giới hạn số lần hưởng định mức miễn thuế tương tự quy định đối với hàng hóa mua bán, trao đổi của cư dân biên giới hiện đang được quy định tại Điều 9 Nghị định số 134/2016/NĐ-CP ngày 1/9/2016 của Chính phủ.

Theo Bộ Tài chính (Tổng cục Hải quan), quy định như vậy nhằm ngăn chặn tình trạng tổ chức, cá nhân lợi dụng chính sách miễn thuế để chia, tách hàng hóa nhằm mục đích trốn thuế khi thực hiện mua bán hàng hóa qua giao dịch thương mại điện tử. Đồng thời, để hạn chế việc lợi dụng chính sách ưu đãi về thuế đối với hàng hóa gửi qua dịch vụ chuyển phát nhanh, bưu chính theo quy định tại Nghị định số 18/2021/NĐ-CP, cũng như để đồng bộ chính sách ưu đãi về thuế giữa hàng hóa gửi qua dịch vụ chuyển phát nhanh, bưu chính với hàng hóa giao dịch qua thương mại điện tử, Bộ Tài chính đề xuất định mức miễn thuế nhập khẩu đối với hàng hóa gửi qua dịch vụ bưu chính phải được áp dụng theo định mức đối với hàng nhập khẩu giao dịch qua thương mại điện tử như đề xuất trên.

Hiện tại Quyết định số 78/2010/QĐ-TTg ngày 30/11/2010 của Thủ tướng Chính phủ quy định về mức giá trị hàng hóa nhập khẩu gửi qua dịch vụ chuyển phát nhanh được miễn thuế. Tuy nhiên để đảm bảo thống nhất với quy định tại dự thảo Nghị định này cũng như quy định của pháp luật về thuế giá trị gia tăng và thông lệ quốc tế (từ ngày 1/7/2021 các nước EU sẽ xóa bỏ quy định miễn thuế thuế giá trị gia tăng với các lô hàng từ 22 euro trở xuống nhằm hạn chế gian lận giữa các thương nhân, như vậy từ 1/7/2021 hàng hóa giao dịch qua thương mại điện tử tại các nước EU đều phải nộp thuế giá trị gia tăng), do đó Bộ Tài chính đề xuất tại Nghị định này bãi bỏ Quyết định số 78/2010/QĐ-TTg.

Làm rõ cách áp dụng các chính sách thuế

Về chính sách thuế xuất khẩu, thuế Tiêu thụ đặc biệt, thuế Bảo vệ môi trường, thuế Giá trị gia tăng đối với hàng hóa xuất nhập khẩu giao dịch qua thương mại điện tử thực hiện theo quy định của pháp luật về thuế. Theo đó, người nộp thuế phải nộp đủ các loại thuế này đối với toàn bộ lô hàng. Theo quy định hiện hành hầu hết hàng hóa xuất khẩu có thuế suất bằng 0, do vậy tại dự thảo Nghị định không quy định nội dung miễn thuế xuất khẩu (tương tự như đối với các loại hàng hóa được miễn thuế tại Nghị định 134/2016/NĐ-CP ngày 1/9/2016 được sửa đổi, bổ sung tại Nghị định số 18/2021/NĐ-CP ngày 11/3/2021 của Chính phủ).

Về trị giá hải quan, thực tế hoạt động mua bán hàng hóa xuất nhập khẩu qua giao dịch thương mại điện tử thông qua sàn giao dịch thương mại điện tử, website thương mại điện tử bán hàng, người mua đặt mua hàng và đưa vào giỏ hàng điện tử (thông qua trang web), sau đó chuyển tiền cho người bán/hoặc sàn giao dịch điện tử qua các phương thức điện tử (ví dụ chuyển khoản online, thanh toán bằng ví điện tử…). Người bán (hoặc sàn giao dịch điện tử) sau khi nhận được tiền thanh toán thì phát hành chứng từ điện tử gửi cho người mua (qua phương tiện điện tử); gửi hàng hóa giao tới tay người mua (chứng từ giấy được gửi kèm cùng hàng hóa), sau đó người mua sẽ nhận hàng hóa và giao dịch kết thúc.

Theo Bộ Tài chính (Tổng cục Hải quan), hiện nay pháp luật về trị giá hải quan đối với hàng hóa xuất nhập khẩu đang được quy định tại Điều 86 Luật Hải quan, Điều 20 Nghị định 08/2015/NĐ-CP được sửa đổi, bổ sung tại Nghị định số 59/2018/NĐ-CP, Thông tư số 39/2015/TT-BTC được sửa đổi, bổ sung tại Thông tư 60/2019/TT-BTC. Theo đó, hàng hóa XNK qua thương mại điện tử được áp dụng xác định trị giá hải quan như đối với các hàng hóa khác, không phân biệt mua bán bằng phương thức nào.

Hàng hóa mua bán qua thương mại điện tử thường là hàng hóa do cá nhân mua và là hàng tiêu dùng đơn lẻ, trị giá nhỏ, chứng từ xác nhận giao dịch mua bán thường là đơn hàng ở dạng điện tử. Trong nhiều trường hợp người mua chọn thời điểm người bán giảm giá sâu (flash sale, sale off) để đặt mua hàng nên giá mua bán được giảm mạnh so với giá cũ; người mua chỉ quan tâm đến việc nhận hàng (ở địa điểm trong nội địa nước nhập khẩu) và trả đúng số tiền ghi trên đơn hàng hoặc chứng từ thanh toán hoặc chứng từ khác tương đương, mà không quan tâm đến cửa khẩu xuất, cửa khẩu nhập như các hoạt động xuất nhập khẩu thông thường.

Trên cơ sở nguyên tắc xác định trị giá đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu quy định tại khoản 2, 3 Điều 86 Luật Hải quan, để đơn giản hóa thủ tục hành chính, tạo thuận lợi thương mại đối với hoạt động này, tại dự thảo Nghị định quy định như sau:

“1. Trị giá hải quan đối với hàng hóa xuất khẩu qua giao dịch thương mại điện tử là giá bán ghi trên đơn hàng hoặc chứng từ thanh toán hoặc chứng từ, tài liệu khác có giá trị tương đương, không bao gồm chi phí vận tải quốc tế và bảo hiểm quốc tế.

2. Trị giá hải quan đối với hàng hóa nhập khẩu qua giao dịch thương mại điện tử là giá mua ghi trên đơn hàng hoặc chứng từ thanh toán hoặc chứng từ, tài liệu khác có giá trị tương đương, bao gồm chi phí vận tải quốc tế và bảo hiểm quốc tế (nếu có)”.

Ngoài ra về thu nộp thuế, phí hải quan, để tạo thuận lợi cho người khai hải quan, Bộ Tài chính đề xuất quy định về thu nộp thuế, phí hải quan tại dự thảo Nghị định theo hướng (tương tự như nộp thuế và phí hải quan đối với hàng hóa gửi qua dịch vụ chuyển phát nhanh), cụ thể: Doanh nghiệp khai hải quan thực hiện nộp thuế thay cho chủ hàng thì nộp trước một khoản tiền tương ứng với số thuế dự kiến phát sinh vào tài khoản tiền gửi của cơ quan Hải quan nơi đăng ký tờ khai tại Kho bạc Nhà nước.

N. LINH

Nguồn https://haiquanonline.com.vn/quan-ly-thue-doi-voi-hang-hoa-giao-dich-qua-thuong-mai-dien-tu-152756.html

0978392436