EU mong muốn chú trọng hơn vào chiến lược môi trường nhằm đảm bảo lộ trình thực hiện cam kết trung hòa carbon vào năm 2050. (Ảnh: Reuters)

Những thay đổi này là một phần trong phiên bản cập nhật Cơ chế Ưu đãi thuế quan phổ cập (GSP) của Ủy ban châu Âu (EC) được triển khai từ năm 1971. Cơ chế này giúp hàng hóa xuất khẩu của các nước đang phát triển có thể tiếp cận dễ dàng hơn với thị trường EU. 

Với lần cập nhật này, GSP sẽ được áp dụng với những thay đổi vào năm 2024, EU mong muốn chú trọng hơn vào chiến lược môi trường nhằm đảm bảo lộ trình thực hiện cam kết trung hòa carbon vào năm 2050.

Giám đốc điều hành EU cho biết, việc tuân thủ các biện pháp bảo vệ môi trường trở thành điều kiện để các quốc gia tiếp tục được hưởng quyền tiếp cận GSP một cách suôn sẻ hơn khi đưa hàng hóa vào thị trường châu Âu.

Theo cơ chế GSP, EU có thể gây áp lực đối với những nước đang phát triển không tuân theo các tiêu chuẩn quốc tế về nhân quyền, luật lao động và các vấn đề khác.

Ông Valdis Dombrovskis, Cao ủy Thương mại EU cho biết, khối này đã thực hiện một số điều chỉnh để đưa cơ chế GSP gần hơn với các quy tắc thương mại bền vững của EU.

Theo đó, việc thực hiện các biện pháp bảo vệ môi trường sẽ trở thành một điều kiện để các nước tiếp tục được hưởng quyền tiếp cận GSP.

Ngoài ra, EU sẽ bổ sung thêm 6 công ước vào 27 công ước hiện tại mà các quốc gia phải tuân thủ để được hưởng các ưu đãi thương mại./.

H.Hà (Theo AFP, Reuters)