EU, Mỹ không ngưng nhập khẩu dệt may Việt Nam

2003 Bo Truong

Tại cuộc họp chiều 20/3 của Ban chỉ đạo phòng dịch COVID-19 Bộ Công Thương, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh khẳng định, chưa có hạn chế nào của cơ quan chức năng EU, Mỹ về dừng nhập hàng dệt may từ Việt Nam. Đây đơn thuần là quyết định của các nhà mua hàng tại các thị trường này.

Nhiều đơn hàng xuất sang Mỹ, EU bị ảnh hưởng

Theo Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh, Việt Nam đang bước vào giai đoạn 2 phòng chống dịch COVID-19 với nhiều diễn biến mới. Với tốc độ tăng của dịch bệnh, những kịch bản dự báo dường như chưa đủ, cần tiếp tục đánh giá, cập nhật, để đưa ra kịch bản phù hợp hơn.

“Trong 2 tháng đầu năm, xuất nhập khẩu hàng hóa của cả nước gặp nhiều khó khăn, có sự sụt giảm đơn hàng, hợp đồng từ thị trường EU, Mỹ, nhất là với dệt may, da giày. Tuy nhiên, chưa có hạn chế nào của cơ quan chức năng EU, Mỹ về dừng nhập hàng dệt may từ Việt Nam. Đây đơn thuần là quyết định của các nhà mua hàng tại các thị trường này”, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh khẳng định.

Chú thích ảnh
Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh. Ảnh: MK.

Ông Tạ Hoàng Linh, Vụ trưởng Vụ châu Âu, châu Mỹ cho biết, ngay khi có thông tin một số đối tác EU, Mỹ thông báo dừng nhập hàng dệt may, cơ quan này đã làm việc với Phái đoàn liên minh châu Âu (EU) tại Việt Nam và Đại sứ quán Mỹ. Phái đoàn liên minh châu Âu khẳng định, việc EU đóng cửa biên giới chỉ là biện pháp kiểm dịch để bảo đảm sức khoẻ của người dân. Các hàng hoá, dịch vụ tới EU vẫn tiếp tục lưu thông, nhất là các mặt hàng thiết yếu như thực phẩm, thuốc men… Chính sách này không tác động trực tiếp tới xuất nhập khẩu hàng hoá Việt Nam – EU.

Tương tự, Đại sứ quán Mỹ cũng khẳng định, không áp dụng bất kỳ biện pháp nào ngăn chặn tiếp cận thị trường của hàng Việt Nam sang Mỹ. Dù vậy, Vụ trưởng Vụ thị trường châu Âu – châu Mỹ nhận xét, do loạt hệ thống bán lẻ tại châu Âu, Mỹ đóng cửa vì COVID-19, những mặt hàng không thiết yếu như da giày, dệt may sẽ bị ảnh hưởng.

Ông Trương Thanh Hoài, Cục trưởng Cục Công nghiệp thông tin thêm, xu hướng chính của các đối tác là giãn thời gian giao hàng trong tháng 3, hoãn đơn hàng trong tháng 4, 5 và tạm chưa đàm phán đơn hàng từ tháng 6 trở đi. Việc này khiến hàng dệt may, da giày đang hứng chịu tác động kép từ COVID-19. Nguồn nguyên liệu sản xuất vừa được cải thiện từ đầu tháng 3, hiện lại gặp khó khăn ở thị trường đầu ra, trong khi EU và Mỹ là hai thị trường xuất khẩu chủ lực của dệt may, da giày. Chưa kể, lượng lao động trong ngành dệt may, da giày trên 2 triệu người. Vì thế áp lực đảm bảo công tác an sinh xã hội, việc làm rất lớn.

Dự báo diễn biến mới để có “đối sách” phù hợp

Bà Nguyễn Cẩm Trang, Phó Cục trưởng Cục Xuất Nhập khẩu cho biết, trong khi việc buôn bán hàng hóa với Trung Quốc có tín hiệu tích cực, thì các thị trường Mỹ và EU dần khó khăn. Một số doanh nghiệp đã đưa hàng ra cảng mà chưa thể xuất đi, nên phải chịu chi phí lưu thông kho bãi và đòi hỏi có biện pháp hỗ trợ khó khăn. Trước thực tế đó, cần tính toán phương án xuất hàng, xúc tiến các thị trường mà dịch đã dần phục hồi như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản… Ngoài ra, chuẩn bị hàng hóa để tận dụng EVFTA được thực thi sau khi dịch qua đi.

Thứ trưởng Trần Quốc Khánh cho biết, hiện nay có tình trạng, một số khách hàng ở Mỹ và EU giãn hoặc hủy đơn hàng, ngay ngày 19/3, Bộ đã trao đổi sơ bộ với 2 Hiệp hội gỗ và nông sản, Hiệp hội dệt may để nắm bắt tình hình và sẽ bàn giải pháp trong thời gian tới.

Thứ trưởng Khánh cho biết, ảnh hưởng ngắn hạn của dịch bệnh và các giải pháp ứng phó của các quốc gia là đứt gãy nguồn cung – cầu khiến lưu thông thương mại giảm. Với Trung Quốc, EU và Mỹ, sau từ 7 – 10 tuần gián đoạn, cần khôi phục từng phần việc lưu thông hàng hóa. Còn về dài hạn, phải tính đến việc dịch bệnh sẽ làm suy yếu nền kinh tế toàn cầu, điều này sẽ ảnh hưởng đến xuất nhập khẩu của Việt Nam. Do đó, phải nghiên cứu đánh giá tác động dài hạn của dịch bệnh, để sớm báo cáo Chính phủ và Quốc hội phê duyệt, thông qua hiệp định EVFTA.

Bộ trưởng Trần Tuấn Anh khẳng định, trong bối cảnh này, cần xây dựng các kịch bản khác nhau, đi kèm với đó là xây dựng các giải pháp để ứng phó với từng kịch bản, trong đó, tập trung đẩy nhanh việc mở cửa thị trường, tìm kiếm các đối tác, bạn hàng mới, từ đó khơi thông hàng hóa Việt Nam. Cơ hội cho hàng hóa sau dịch bệnh lớn, qua đó có thể mở rộng, chiếm lĩnh thị trường, tăng thị phần. Đây cũng là cơ hội để tái cơ cấu công nghiệp chế biến, đặc biệt là hàng hóa nông sản.

Thu Trang/Báo Tin tức
0978392436