Điểm nghẽn logistics “cản chân” nông sản Việt

Ns

(HQ Online) – Chi phí logistics quá cao đang là điểm nghẽn lớn làm giảm sức cạnh tranh của nông sản Việt trên thị trường quốc tế. Điều này đặt ra yêu cầu cấp thiết thành lập các trung tâm logistics nông sản hiện đại, kết nối hệ thống cảng biển, đường bộ với các vùng nguyên liệu và chế biến.

“Méo mặt” vì chi phí

Là DN trực tiếp XK hàng nông sản, ông Võ Quan Huy, Giám đốc Công ty TNHH Huy Long An (Đức Huệ, Long An)  khá trăn trở về chi phí logistics. Ông Huy chia sẻ, năm 2019, Công ty XK khoảng 14.000 tấn chuối đi Malaysia, Singapore, Hàn Quốc, trong đó, chi phí logistics chiếm khoảng 30% chi phí sau thu hoạch. Đáng chú ý, riêng 6 tháng đầu năm nay, chi phí logistics của DN tăng tới 45%. 

“Việc các thị trường XK liên tục thay đổi chính sách kiểm dịch thực vật cũng đã tác động lớn đến chi phí logistics, điển hình là tại thị trường Trung Quốc”, ông Huy cho biết thêm.

Ông Lê Văn Quang, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Tập đoàn Minh Phú dẫn thêm ví dụ thực tế, 1 container tôm từ TPHCM đến biên giới Trung Quốc mất 100 triệu đồng, trong khi Ecuador cũng vận chuyển sang Trung Quốc nhưng chi phí chỉ bằng một nửa.

Nhìn ở bình diện rộng hơn câu chuyện cụ thể của vài DN, ông Nguyễn Duy Minh, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam (VLA) đánh giá, hiện nay chi phí logistics của một số chuỗi cung ứng còn ở mức cao. Điều này khiến giá thành sản xuất của nông sản Việt Nam khó có thể cạnh tranh với sản phẩm cùng loại của các nước khác. Cụ thể, chi phí logistics của sản phẩm hải sản chiếm 12,1% giá thành sản xuất; con số này với mặt hàng gạo lên tới 29,8% và rau quả 29,5%.

Trả lời cho câu hỏi tại sao chi phí logistics của Việt Nam lại cao như vậy, ông Minh cho rằng, mấu chốt là chi phí vận chuyển cao, các phụ phí và phí địa phương cao do các hãng vận chuyển nước ngoài áp vào cho chủ hàng; hạn chế về cảng và cơ sở hạ tầng; các tỉnh, thành phố đưa ra các phí hạ tầng mới, chi phí về kiểm tra chuyên ngành…

Cần hình thành trung tâm logistics lớn

Xung quanh câu chuyện chi phí logistics, ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) đánh giá, nông sản là nhóm ngành hàng có giá trị tính trên đơn vị khối lượng thấp nhưng chi phí bảo quản, vận chuyển… đang quá cao. Để giảm bớt áp lực về thời gian vận chuyển cũng như nâng cao chất lượng nông sản, khâu bảo quản là rất quan trọng; cần có những DN chuyên nghiệp với các phương tiện riêng như kho lạnh, kho mát, container lạnh để bảo quản loại hàng hóa này.

Bắt nguồn từ phân tích, chi phí logistics cho nông sản cao có nhiều nguyên nhân, trong đó có những nguyên nhân về hạ tầng, về thủ tục, về sự thiếu liên kết giữa DN nông sản và DN logistics, lãnh đạo Cục Xuất nhập khẩu nhấn mạnh, cần phải đầu tư các trung tâm logistics nông sản quy mô lớn thay cho các chợ đầu mối. Đó không chỉ là nơi tập trung, phân phối nông sản mà còn đảm bảo lưu trữ thời gian dài, thực hiện cả việc sơ chế, từ đó mới phân phối về các siêu thị, cửa hàng hoặc chuyển đi XK. “Bên cạnh đó, cần tăng cường kết nối giữa DN nông sản và DN logistics, tận dụng hệ thống đường biển, đường sông và đường sắt để giảm chi phí trong vận chuyển nông sản”, ông Hải nói.

Trong khi đó, theo ông Nguyễn Quốc Toản, Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NN&PTNT), cần có quy hoạch logistics theo vùng, theo loại hình để thúc đẩy liên kết giữa các địa phương nhằm hình thành các trung tâm vận chuyển, logistics hiện đại, từ đó, đạt được sự liên kết giao thông, cảng biển, hàng không… “Khu vực chế biến thường được đặt trong các khu công nghiệp, nếu không gần vùng nguyên liệu thì sẽ khiến giá thành tăng, hao hụt trong vận chuyển sau thu hoạch. Tôi cho rằng cần có từng đề án căn cơ cho từng vùng Bắc Bộ, Tây Bắc, Tây Nguyên, Đồng bằng sông Cửu Long,… để tối ưu hóa được quy hoạch vùng nhằm giảm chi phí logistics”, ông Toản nhấn mạnh.

Ở góc độ DN, ông Đỗ Văn Tôn, Giám đốc Công ty CP Nông nghiệp hiện đại Tiến Nông kiến nghị, cần kiểm soát các mức phí mà đại lý hãng tàu tại Việt Nam thu từ các DN; đồng thời tập trung đầu tư cơ sở hạ tầng đồng bộ, loại bớt các trạm thu phí BOT; miễn giảm phí BOT khi xe trình hóa đơn gốc chở phân bón, nông sản… Một số DN nông sản khác kiến nghị Nhà nước cần xem xét minh bạch trong vấn đề thủ tục hải quan và vận tải đường bộ để chi phí không chính thức không còn là gánh nặng cho hoạt động logistics; tăng cường hậu kiểm, giảm các mức phí và lệ phí trong XNK cho DN…

Uyển Như

Nguồn Báo Hải quan https://haiquanonline.com.vn/diem-nghen-logistics-can-chan-nong-san-viet-130526-130526.html

0978392436